Sự phát triển của chính trị cánh tả Tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Đế quốc Nhật Bản

Hệ tư tưởng về chủ nghĩa xã hội được du nhập vào Nhật Bản vào đầu thời kì Minh Trị, phần lớn là thông qua các nhà truyền giáo Kitô (Cơ đốc), với quan niệm về "tình huynh đệ phổ quát" (Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo) của họ, nhưng ít có sức hút, cho đến khi quá trình công nghiệp hóa ngày càng tăng của Nhật Bản đã tạo ra một lực lượng lao động thành thị bất mãn, trở nên dễ tiếp thu các lời kêu gọi về một sự phân phối của cải công bằng hơn, cho nhiều dịch vụ công và ít nhất là quốc hữu hóa tư liệu sản xuất.

Cuộc Vận động Dân quyền tự do (自由民権運動) ban đầu được thành lập năm 1873, cũng được coi là tiền thân của sự phát triển xã hội chủ nghĩa Nhật Bản, nhờ sự thu hút của nó đối với phong trào lao động, tư tưởng trọng nông và ủng hộ dân chủ đại nghị; tuy nhiên, người ta lại quan tâm đến sự phát triển của Hiến pháp hơn là ý thức xã hội.

Hội nghiên cứu Meirokusha (明六社 Minh lục xã), được thành lập năm 1873 cũng được coi là tiền thân của sự phát triển xã hội chủ nghĩa Nhật Bản, do sự ủng hộ của rất nhiều thành viên đối với sự thay đổi xã hội. Tuy nhiên, quan điểm chính trị của hầu hết các thành viên lại là chủ nghĩa tự do, chứ không phải là xã hội chủ nghĩa.